32 Views

Dấu hiệu pháp lý của tội chống người thi hành công vụ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015

Đăng bởi 4bae2b8516aff755876f908e561fcbaf - 16:46 06/12/2022

Trong những năm gần đây, đặc biệt trong những ngày tháng chống dịch Covid – 19 của cả nước, tội chống người thi hành công vụ đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp cả về số vụ và tính chất phạm tội. Việc phòng ngừa và đấu tranh chống loại tội phạm này đặt ra yêu cầu có tính cấp thiết là cần sớm hoàn thiện những điểm bất cập trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng như các văn bản hướng dẫn về tội chống người thi hành công vụ.

“Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

  1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  2.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.”

1.1. Khách thể của tội chống người thi hành công vụ

Việc nghiên cứu khách thể của tội phạm nói chung, khách thể của tội chống người thi hành công vụ nói riêng có ý nghĩa lý luận quan trọng. Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho một hay một số quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Tính chất nguy hiểm của tội phạm phụ thuộc cơ bản vào tính chất và tầm quan trọng của quan hệ xã hội bị tội phạm gây thiệt hại.

Tội chống người thi hành công vụ là loại tội phạm xâm phạm tới hoạt động quản lý nhà nước, xâm phạm sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, làm giảm hiệu quả quản lý của các cơ quan này. Quan hệ xã hội bị tội chống người thi hành công vụ xâm hại là quan hệ liên quan trực tiếp đến các hoạt động công vụ” thuộc các lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.

Đối tượng tác động của tội chống người thi hành công vụ là người thi hành công vụ. Thông qua việc tác động đến người thi hành công vụ mà người phạm tội xâm phạm khách thể được luật hình sự bảo vệ. Người thi hành công vụ gồm hai nhóm người:

– Là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án. Theo đó, đây là nhóm người thường xuyên thực hiện các hoạt động công vụ có tính quyền lực nhà nước để thực hiện chức năng chấp hành, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước.

– Người tuy không được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào làm việc trong các cơ quan nhà nước nhưng được các cơ quan nhà nước hay người có chức vụ quyền hạn giao thực hiện một nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án nhất định. Đây là nhóm người được trao quyền để trực tiếp thực hiện các hoạt động công vụ có tính quyền lực nhà nước để thực hiện chức năng chấp hành, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước.

Đối tượng tác động của tội chống người thi hành công vụ phải là người đang thi hành công vụ. Những cá nhân thuộc hai nhóm chủ thể nêu trên phải đã bắt đầu thực hiện công vụ nhưng chưa kết thúc. Nếu việc thực hiện công vụ chưa bắt đầu hoặc đã kết thúc thì khi đó các chủ thể này chưa phải hoặc không còn là đối tượng tác động của tội phạm chống người thi hành công vụ. Đây là một trong các dấu hiệu để phân biệt tội chống người thi hành công vụ với một số tội phạm khác.

1.2. Chủ thể của tội chống người thi hành công vụ

Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và thoả mãn ít nhất hai điều kiện: có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đây là những dấu hiệu pháp lý bắt buộc thông thường của chủ thể của tội phạm.

Thứ nhất, về tuổi chịu trách nhiệm hình sự: Luật hình sự của các nước đều quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nhưng không phải nước nào cũng quy định giống nhau, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng nước. Ở Việt Nam, căn cứ vào thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nước và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước khác, Nhà nước ta đã xác định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đối chiếu quy định này với quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có thể xác định chủ thể của tội chống người thi hành công vụ phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Thứ hai, về năng lực trách nhiệm hình sự: Năng lực trách nhiệm hình sự thể hiện ở năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi theo các đòi hỏi của xã hội. Con người sinh ra không phải từ bẩm sinh đã có năng lực trách nhiệm hình sự: “Chỉ trong tự ý thức, con người mới tách mình và độc lập với thế giới xung quanh, xác định vị trí của mình trong những quan hệ tự nhiên và xã hội. Từ đó hình thành nên những cá nhân, những chủ thể có ý thức đầy đủ về hành động của mình, chịu trách nhiệm về hành vi của mình”. Năng lực trách nhiệm hình sự là điều kiện cần thiết để có thể xác định con người có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không quy định trực tiếp thế nào là người có năng lực trách nhiệm hình sự mà chỉ quy định thông qua tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015) và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015). Theo đó, người có năng lực trách nhiệm hình sự là người đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự. Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015). Theo đó, người có năng lực trách nhiệm hình sự là người đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và không thuộc trường hợp mất năng lực trách nhiệm hình sự.

Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.” Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 ghi nhận chủ thể của tội chống người thi hành công vụ là người đủ 16 tuổi trở lên thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ và không thuộc trường hợp được quy định tại Điều 21, tức là không bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình.

1.3. Mặt khách quan của tội chống người thi hành công vụ

Mặt khách quan của tội phạm nói chung cũng như của tội chống người
thi hành công vụ nói riêng là những biểu hiện diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Những biểu hiện đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả và các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện hành vi phạm tội như thời gian, địa điểm, công cụ, phương tiện phạm tội… Những biểu hiện này không phải đều được mô tả trong cấu thành tội phạm. Việc mô tả dấu hiệu nào ở tội phạm cụ thể phụ thuộc vào mục đích thể hiện rõ bản chất của tội phạm cũng như để đáp ứng yêu cầu chống tội phạm đó. Dấu hiệu duy nhất được mô tả trong tất cả cấu thành tội phạm là dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đối với tội chống người thi hành công vụ, dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm được mô tả trong cấu thành là dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội. Dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội không được mô tả trong điều luật nên không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Tội chống người thi hành công vụ có cấu thành tội phạm là cấu thành tội phạm hình thức. Do đó, tội phạm này hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ. Theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi chống người thi hành công vụ được mô tả là các dạng hành vi khách quan sau đây:

Thứ nhất, hành vi dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

“Dùng vũ lực là hành vi dùng sức mạnh vật chất tấn công, hành hung, ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật”. Hành vi dùng vũ lực là hành vi (hành động) mà người phạm tội đã thực hiện và trực tiếp tác động vào cơ thể của người thi hành công vụ bằng tay, chân để đấm, đá, trói hoặc cũng có thể thông qua công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội như dùng dao, dùng gậy,…

Hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ có thể làm cho người thi hành công vụ bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ, nhưng không đòi hỏi phải gây ra thương tích đáng kể (có tỷ lệ tổn thương cơ thể). Nếu hành vi dùng vũ lực đã gây ra cho người thi hành công vụ thương tích đáng kể (có tỷ lệ tổn thương cơ thể) hoặc đã làm người thi hành công vụ chết, thì tuỳ trường hợp cụ thể, hành vi này cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 có tình tiết định khung hình phạt tăng nặng “đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”. Như vậy, người có hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác nhau tuỳ thuộc vào hậu quả mà hành vi này gây ra cho người thi hành công vụ.

Thứ hai, hành vi đe dọa dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. “Đe doạ dùng vũ lực là hành vi uy hiếp tinh thần người thi hành công vụ làm cho họ lo sợ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao”. Hành vi đe dọa dùng vũ lực chống lại người thi hành công vụ là việc dùng cử chỉ, lời nói có tính răn đe, uy hiếp tinh thần nhằm mục đích làm cho người thi hành công vụ sợ hãi phải chấm dứt việc thi hành công vụ … Sự đe dọa phải xảy ra trên thực tế và có cơ sở để người bị đe dọa tin rằng lời đe dọa đó sẽ được thực hiện nếu người thi hành công vụ tiếp tục thực hiện công vụ của mình hoặc không thực hiện các hành vi trái pháp luật theo yêu cầu của người phạm tội.

Thứ ba, dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Trên thực tế, các dạng hành vi chống người thi hành công vụ hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn khác nhau. Do đó, trong giới hạn phạm vi một điều luật không thể liệt kê được đầy đủ tất cả các dạng hành vi. Các nhà làm luật đã xây dựng một quy định chung có thể coi là một dạng của hành vi chống người thi hành công vụ: “thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ”. Hành vi dùng thủ đoạn khác để cản trở người thi hành công vụ có thể là hành vi đe doạ sẽ công bố những tin tức, tài liệu bất lợi cho người thi hành công vụ hoặc cho người thân thích của họ, đe doạ gây thương tích cho người thân thích, huỷ hoại tài sản; cởi bỏ quần áo trước người đang thi hành công vụ; tự gây thương tích hoặc giả gây thương tích để vu khống bị người thi hành công vụ hành hung…

1.4. Mặt chủ quan của tội chống người thi hành công vụ

Tội phạm là thể thống nhất của hai mặt khách quan và mặt chủ quan. Với ý nghĩa là một mặt của thể thống nhất, mặt chủ quan của tội phạm không tồn tại độc lập mà luôn gắn liền với mặt khách quan của tội phạm. Mặt khách quan của tội chống người thi hành công vụ là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm như đã trình bày còn mặt chủ quan là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội với 3 nội dung, bao gồm: lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội.

Thứ nhất, về lỗi của người phạm tội chống người thi hành công vụ: Trong mặt chủ quan của tội phạm, lỗi có yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định tội phạm và trách nhiệm hình sự. Người phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam không phải chỉ đơn thuần vì người này đã có hành vi khách quan gây thiệt hại cho xã hội mà vì đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi khách quan đó.

“Lỗi là thái độ tâm lí của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý”. Lỗi của người phạm tội chống người thi hành công vụ là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được đầy đủ hành vi trái pháp luật của mình là chống hoặc cản trở việc thực hiện công vụ của người thi hành công vụ và mong muốn thực hiện hành vi phạm tội này nhằm làm cho người đang thi hành công vụ không thể hoàn thành công vụ được giao.

Trong trường hợp người phạm tội không biết hoặc có nghi ngờ về tính hợp pháp của người đang thi hành công vụ thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xác định người đó có lỗi hay không. Tuy nhiên, việc xem xét nhận thức của người phạm tội trong những trường hợp này cần phải cẩn trọng. Bởi trên thực tế, nhiều trường hợp người phạm tội tuy nhận thức rõ ràng là người mà họ trực tiếp tác động là người thi hành công vụ nhưng vẫn cố tình thể hiện là mình không biết.

Thứ hai, về mục đích phạm tội: “Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan của người phạm tội đặt ra phải đạt được khi lựa chọn), thực hiện hành vi phạm tội”. Mục đích của người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ là nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ hoặc khiến họ thực hiện một hành vi trái pháp luật nào đó. Chính vì vậy, người phạm tội hướng hành vi phạm tội của mình vào người thi hành công vụ. Mục đích cụ thể có thể là để không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản khi bị cưỡng chế, giải thoát kẻ phạm tội đang bị dẫn giải, tạm giữ; hoặc để chính sách, quyết định nào đó của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không được thực hiện.

Trong trường hợp, người thực hiện hành vi chống lại người đang thi hành công vụ có mục đích khác thì họ có thể không bị truy cứu trách nhiệm về tội chống người thi hành công vụ mà bị truy về tội khác. Ví dụ: Trường hợp người thực hiện hành vi chống lại nhân viên nhà nước, cán bộ chính quyền đang thi hành công vụ nhưng nhằm mục đích chống lại chính quyền nhân dân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015) hoặc Tội phá rối an ninh (Điều 118 Bộ luật Hình sự năm 2015). Như vậy, đối với tội chống người thi hành công vụ, dấu hiệu mục đích thuộc mặt chủ quan của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc để phân biệt tội này với một số tội khác.

Chia sẻ:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
  • Trang chủ
  • Phone
  • Messenger
  • Zalo
  • 0
    Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x