Nội dung chính
Hiệu lực của di chúc là một trong những vấn đề cần phải quan tâm khi phân chia di sản thừa kế. Vậy di chúc có hiệu lực khi nào? Và di chúc liệu có thời hạn có hiệu lực không?
Di chúc có hiệu lực khi nào?
Cá nhân có quyền lập di chúc để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết và cũng có quyền được hưởng di sản thừa kế theo di chúc của người khác một cách bình đẳng. Về thời điểm có hiệu lực của di chúc, khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự quy định như sau:
1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
Trong đó, theo khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Đồng nghĩa, di chúc sẽ có hiệu lực tại thời điểm người để lại di chúc chết.
Kể từ thời điểm này, người thừa kế theo di chúc sẽ có quyền cũng như kế thừa các nghĩa vụ của người chết để lại.
Đặc biệt, kể từ thời điểm người để lại di chúc chết, nếu di chúc đó bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ, toàn bộ mong muốn của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì sẽ coi như không có di chúc.
Như vậy, di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế – thời điểm người để lại di chúc chết. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trước khi xác định di chúc có hiệu lực khi nào, người thừa kế và các người có quyền, nghĩa vụ liên quan cần xác định di chúc đó có hợp pháp không.
Theo đó, cần căn cứ vào các đặc điểm:
– Tinh thần của người lập di chúc: Có minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, không bị đe doạ, không bị cưỡng ép trong khi lập di chúc không.
– Nội dung, hình thức của di chúc: Không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức; không viết tắt, không viết bằng ký hiệu, không tẩy xoá, sửa chữa. Nếu có tẩy xoá, sửa chữa thì phải có chữ ký của người lập di chúc hoặc người làm chứng ký tên ở bên cạnh những chỗ đó…
Di chúc có hiệu lực trong bao lâu?
Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu thừa kế như sau:
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Theo quy định này, người thừa kế có quyền yêu cầu chia thừa kế với tài sản là bất động sản trong thời hạn 30 năm; với tài sản là động sản trong thời gian 10 năm kể từ khi người để lại di chúc chết. Hết thời hạn này thì di sản sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Có thể thấy, nếu di chúc để lại bất động sản (nhà, đất, tài sản gắn liền với đất…) cho người khác thì sẽ có thời hạn 30 năm để chia thừa kế và nếu di chúc để lại động sản (xe ô tô, tàu, thuyền…) thì người thừa kế sẽ có thời hạn 10 năm để yêu cầu chia thừa kế.
Nếu hết thời hạn này mà có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản sẽ thuộc về người quản lý. Nếu không còn người thừa kế thì di sản sẽ thuộc về người đang chiếm hữu; nếu không có người chiếm hữu thì di sản sẽ thuộc về Nhà nước.