19 Views

Đừng để lòng tham đánh mất tình thân

Đăng bởi 4bae2b8516aff755876f908e561fcbaf - 10:20 10/06/2022

Cha mẹ rất cần lập di chúc về quyền thừa kế tài sản cho con. Song để đảm bảo tính hợp pháp của di chúc, cha mẹ cũng cần tìm đến các văn phòng công chứng, văn phòng luật sư hoặc người có hiểu biết sâu về pháp luật thừa kế để nhận được hỗ trợ, tư vấn cần thiết…

Hãy để tình thân làm trọng!

Hiện nay, vấn đề giải quyết tranh chấp thừa kế là một trong những vụ án tương đối phức tạp, xảy ra nhiều mà Tòa án nhân dân các cấp đang thụ lý giải quyết hằng ngày. Nguyên nhân đa phần xuất phát từ lòng tham của một hoặc một số người trong gia đình, mong muốn chiếm hữu tài sản do cha mẹ để lại, trong quá trình chia tài sản không thống nhất được. Nhiều người cho rằng, họ đóng góp nhiều hơn để gây dựng, tôn tạo tài sản, bỏ công sức để chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ, hoặc họ bị thiệt thòi, khó khăn hơn… Hoặc trong nội bộ gia đình, cha mẹ lớn tuổi lúc tỉnh táo, hoặc không tỉnh táo có những hứa hẹn để lại tài sản cho con nhưng không rõ ràng, cụ thể dẫn đến các con có những thông tin khác nhau, gây tranh chấp về sau. Nhiều cha mẹ trước lúc lâm chung, cũng đã lập di chúc, tuy nhiên, đa phần lại chia tài sản bằng… miệng. “Theo quy định tại điều 629 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc bằng miệng được lập chỉ có hiệu lực trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Sau 3 tháng, kể từ thời điểm lập di chúc miệng mà người lập di chúc vẫn còn sống minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy. Ngoài ra, khi tranh chấp xảy ra, di chúc miệng không có bằng chứng chứng minh. Kể cả khi các con ghi âm lại lời di chúc của bố mẹ cũng không thể chứng minh được đó là giọng nói của người quá cố” – luật sư Nguyễn Hưng, giám đốc công ty Luật TNHH Phúc Khánh Hưng lý giải.

Ảnh minh họa

Nhiều người “lo xa” cũng lập di chúc nhưng lại không hợp pháp về nội dung và hình thức, dẫn đến khi tranh chấp xảy ra, di chúc có thể sẽ bị tòa tuyên hủy để chia theo quy định của pháp luật. Cũng có nhiều trường hợp người lập di chúc trong trạng thái tinh thần không minh mẫn, bị ép buộc điểm chỉ, ký tên…, nếu chứng minh được, Tòa cũng sẽ tuyên hủy bản di chúc đó. Như vụ việc cụ T (huyện Đông Anh, HN) viết di chúc chỉ ghi sẽ để lại 40m2 mảnh đất mà bà đã ở cho hai con gái và cháu ngoại nhưng không nói rõ cháu ngoại nào. Năm 2001, cụ T mất, anh M – cháu ngoại cụ mượn mảnh đất này để làm xưởng gỗ. Mới đây, do cần tiền gấp, người mẹ và dì đòi lại mảnh đất để bán song anh M không đồng ý. Ai cũng nghĩ cụ T để lại đất cho mình, dẫn đến xung đột xảy ra, mẹ – con, dì-cháu không nhìn mặt nhau. Tại buổi hòa giải ở xã, họ đưa ra bản di chúc được cụ T viết tay, không có người làm chứng. UBND xã cho rằng di chúc bị vô hiệu cả về nội dung và hình thức nên không thể phân chia tài sản theo di chúc mà cụ T để lại…

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, di chúc được lập hợp pháp, nhưng vẫn bị tranh chấp. Vì, có nhiều trường hợp vẫn được hưởng tài sản do người quá cố để lại mà không phụ thuộc vào ý chí của người lập di chúc. Luật sư Nguyễn Hưng, viện dẫn một trường hợp vụ việc kéo dài 5 năm đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Cụ thể, vợ chồng ông C (trú tại Gia Lâm, Hà Nội) được bố mẹ chia cho một mảnh đất có diện tích khoảng 100m2. Hai vợ chồng an cư lập nghiệp, xây dựng nhà cửa trên mảnh đất đó. Sau một thời gian chung sống, vợ chồng ông C lục đục, dẫn đến ly thân. Vợ ông C đưa hai con đến nơi khác ở. Ông C ở nhà và chung sống không hôn thú với một phụ nữ khác, sinh được một con gái. Trước khi qua đời, ông C lập một bản di chúc để lại một nửa di sản nhà đất (tức 50m2) trong khối tài sản chung của vợ chồng cho con gái.

Sau khi ông C mất, mọi người tiến hành công bố di chúc của ông. Tranh cãi bắt đầu xảy ra, mặc dù di chúc được lập là hợp pháp, nhưng người thân ông C cho rằng, bố mẹ ông (đang già yếu) có quyền được hưởng tài sản thừa kế của ông. “Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, bao gồm con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản đó được chia theo pháp luật trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc cho hưởng di sản ít hơn 2/3 suất đó. Do đó, trong trường hợp này, bố mẹ ông C đã già yếu, không có khả năng lao động nên được hưởng di sản không theo ý chí của ông C” – luật sư Hưng nói.

Di chúc cần đảm bảo tính hợp pháp

Theo luật sư Nguyễn Hưng, vấn đề phân chia tài sản thừa kế vẫn gây ra nhiều nhức nhối không chỉ ở nông thôn mà còn ở thành thị. Khi tranh chấp xảy ra, có thể người này, người kia đạt được nguyện vọng của mình nhưng hậu quả của việc tổn thương tình cảm gia đình là rất lớn. Thông thường, trước, trong và sau những vụ án chia tài sản thừa kế, các bên kể cả nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều sứt mẻ tình cảm nghiêm trọng. Vì vậy, anh em ruột thịt trong nhà, được lớn lên cùng nhau, được ba mẹ yêu thương đùm bọc thì đừng vì lợi ích nhỏ mà đánh mất tình cảm gia đình.

“Để loại bỏ những tranh chấp về tài sản thừa kế có thể xảy ra, các con trong gia đình có thể giải quyết bằng việc họp gia đình, lập văn bản khai nhận di sản thừa kế, được các tổ chức công chứng làm chứng, lập vi bằng, giải quyết ký nhận thay đổi chủ sở hữu… Hãy giữ lấy tình cảm gia đình làm trọng, người này có thể thiệt thòi về vật chất hơn người kia nhưng tình thân thì không thể mua được bằng tiền” – luật sư Hưng khuyên.

Chia sẻ:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
  • Trang chủ
  • Phone
  • Messenger
  • Zalo
  • 0
    Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x