123 Views

Lừa dối khách hàng, người bán hàng có thể bị phạt tù

Đăng bởi 4bae2b8516aff755876f908e561fcbaf - 16:10 02/08/2023

Lừa dối khách hàng là hành vi cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác nhằm thu lợi bất chính trong hoạt động mua, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ. Trường hợp người bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ có hành vi lừa dối khách hàng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 198 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) (“BLHS 2015”) về Tội lừa dối khách hàng được quy định như sau:

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Để xác định một hành vi có cấu thành Tội lừa dối khách hàng hay không cần căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm như sau:

Về khách thể: Tội lừa dối khách hàng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế cụ thể là xâm phạm vào quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, uy tín của các doanh nghiệp.

Về mặt khách quan: Tội phạm được thể hiện thông qua hành vi gian dối trong mua, bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ nhằm thu lợi bất chính bằng các thủ đoạn như:

  • Cân, đong, đo, đếm sai trong quá trình giao hàng hóa;
  • Cố ý tính tiền sai trong khi thanh toán, trong vay mượn;
  • Giao hàng chất lượng kém nhưng bán theo giá hàng chất lượng tốt;
  • Cố tình thay thế phụ tùng có giá trị thấp nhưng yêu cầu khách hàng phải thanh toán số lượng tiền nhiều hơn giá trị dịch vụ, hàng hóa thực tế…

Tội phạm được coi là hoàn thành nếu gây thiệt hại cho khách hàng từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Về mặt chủ quan: Hành vi lừa dối khách hàng được người phạm tội thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là lừa dối khách hàng, thấy trước được hậu quả mà hành vi đó gây ra và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.

Mục đích của người phạm tội là thu lợi bất chính từ hoạt động lừa dối khách hàng. Biểu hiện của mục đích thu lợi là người phạm tội dùng những thủ đoạn gian dối để thực hiện hành vi nhằm tránh sự phát hiện của khách hàng. Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

Về chủ thể: Người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng, thì người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi lừa dối khách hàng hoặc đã bị kết án về tội lừa dối khách hàng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới bị coi là phạm tội lừa dối khách hàng.

Ngoài ra, khi xác định các yếu tố cấu thành Tội lừa dối khách hàng cần lưu ý phân biệt với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS 2015) và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS 2015) vì các tội danh này đều giống nhau về thủ đoạn gian dối trong quá trình thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, trong tội lừa dối khách hàng, thủ đoạn này chỉ diễn ra trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và cung cấp dịch vụ; Còn trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thủ đoạn gian dối được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: lĩnh vực tài chính ngân hàng, xin việc, bán hàng đa cấp… Đối với tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội chỉ dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản sau khi có được tài sản thông qua những giao dịch hợp pháp và thường diễn ra trong các hoạt động giao dịch vay mượn, cầm cố, thế chấp…

Lừa dối khách hàng là một hành vi nằm trong nhóm hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng và diễn ra khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Do đó, pháp luật luôn có những quy định hình phạt cụ thể, rõ ràng về “Tội lừa dối khách hàng” để răn đe, trừng phạt những người có hành vi vi phạm nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Công ty Luật Phúc Khánh Hưng liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của Công ty Luật Phúc Khánh Hưng sẽ hữu ích cho Quý khách.

————————————————————————–

CÔNG TY LUẬT PHÚC KHÁNH HƯNG

Địa chỉ: Tầng 2, toà nhà Trung Yên 1, Số 1, Lô 1A Đường Vũ Phạm Hàm, KĐT Trung Yên, Phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Website: luatsubaochua.com.vn

Email: luatphuckhanhhung@gmail.com

Hotline: 0904 825 385 – 0942 927 375

Chia sẻ:
5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
  • Trang chủ
  • Phone
  • Messenger
  • Zalo
  • 0
    Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x