11 Views

Nhận án tù vì đăng tải video, hình ảnh khiêu dâm

Đăng bởi 4bae2b8516aff755876f908e561fcbaf - 15:43 16/07/2022
Hành vi làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến hoặc có hành vi khác truyền bá những vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy đều là vi phạm pháp luật.

Truyền bá những vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy đều là vi phạm pháp luật

Mới đây, Vũ Đức Kiên (sinh năm 1994, trú tại xã Đồng Liên, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã sử dụng tài khoản Zalo “D Ông trùm” để tạo lập, quản trị và điều hành hai nhóm kín trên ứng dụng Zalo là “Some HN Zalo” và “Hà Nội show”. Trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020, Kiên đã đăng tải 2.250 tệp phim, hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy lên 2 nhóm Zalo trên. Ngoài ra, Kiên đã tổ chức cho 4 tài khoản thành viên nữ khoảng 13 lần livestream có nội dung khiêu dâm. Cơ quan chức năng xác định Kiên đã truyền bá tổng cộng 1.839 tệp phim, hình ảnh có nội dung khiêu dâm, đồi trụy để hưởng lợi; bao gồm: 1.042 video clip và 797 file ảnh. Tổng dung lượng của các tệp tin mẫu cần giám định có nội dung khiêu dâm, đồi trụy là gần 14 GB.

Trước đó, đối tượng Đồng Văn Sỹ, sinh năm 2000 ở xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã sử dụng nhiều tài khoản Zalo, lập nhóm với vài nghìn thành viên để chia sẻ những clip sex, hình ảnh khiêu dâm. Chỉ đến khi bị cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định khởi tố về hành vi tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng Zalo, đối tượng mới hối hận về những hành vi của mình.

Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là phổ biến cho người khác biết về các vật phẩm, hoặc khiêu gợi những ý định, thúc đẩy con người thỏa mãn lối sống ăn chơi, đàng điếm, dâm ô, bằng các thủ đoạn như làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ,… nhằm phổ biến, hoặc truyền bá những vật phẩm, văn hóa có tính chất đồi trụy.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The light cho rằng, những hành vi được xem là dấu hiệu của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có thể hiểu là những người trực tiếp làm ra các ấn phẩm có nội dung đồi trụy hoặc sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ các loại sách báo, tranh ảnh hoặc những vật phẩm khác có nội dung đồi trụy đều là dấu hiệu pháp lý của tội danh này và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tùy thuộc tính chất mức độ của hành vi vi phạm, cơ quan chức năng có thể xử lý hành chính hoặc hình sự. Hành chính phạt tiền theo quy định tại Điều 101, Nghị định 15/2020 từ 10 triệu – 20 triệu nếu sử dụng mạng xã hội cung cấp, chia sẻ các thông tin dâm ô, đồi trụy không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Khi nặng hơn thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015.

“Tùy thuộc tính chất mức độ của hành vi vi phạm mà người làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; nếu nghiêm trọng hơn, có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm; khung hình phạt nặng nhất cho tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”- luật sư Hưng nói.

Sẽ xử lý hình sự nếu trước đó đã được nhắc nhở

Chỉ ra những căn cứ để xử phạt hành chính và xử lý hình sự, luật sư Nguyễn Văn Hưng cho rằng, theo quy định Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015, những hành vi bị xử lý hình sự gồm: Thứ nhất, là người nào sử dụng những dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 1GB đến dưới 5GB. Nếu như là ảnh, số lượng từ 100- dưới 200 ảnh, hoặc nếu có các sách báo, văn hóa phẩm đồi trụy như báo in có số lượng từ 50-100 đơn vị.

Về mức độ phát tán, nếu phổ biến được cho 10-20 người, hoặc nếu như người vi phạm trước đây đã bị xử phạt hành chính về tội này, nay còn tiếp vi phạm sẽ bị xử lý hình sự.

Đối với trường hợp, khi các phương tiện truyền thông đăng tải hình ảnh người mẫu, hoặc hoa hậu mặc bikini, luật sư Hưng cho rằng, ngay các quy định của pháp luật cũng phải thỏa mãn các dấu hiệu vi phạm. Cụ thể, trong trường hợp này, khi các cơ quan báo đài có đăng tải hình ảnh, người mẫu, hoa hậu mặc bikini, việc đăng tải hình ảnh này phải được sự đồng ý của người đó. Và đây là những hoạt động giao dịch dân sự thuần túy và không có các biểu hiện hành vi vi phạm, không thỏa mãn các quy định của pháp luật.

Dẫn chứng vụ việc xảy ra tại quán karaoke Suny ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc cách đây không lâu khi trở thành tâm điểm chú ý vì bị phát tán nhiều ảnh nam nữ thanh niên được cho là thác loạn tại quán này, sau đó lực lượng chức năng xác định không phải tổ chức tại quán, luật sư Hưng phân tích, về nguyên tắc bất kể người nào có hành vi phát tán đoạn phim ảnh có nội dung khiêu dâm, đồi trụy thì đều là hành vi vi phạm pháp luật.

“Trong trường hợp ở Vĩnh Phúc, người đầu tiên phát tán những video đó lên, các cơ quan chức năng đã kịp thời đấu tranh và xử lý hành vi này theo quy định tại điều 326 bộ luật hình sự. Tuy nhiên, có một số lượng không nhỏ người xem clip đó. Đồng thời, gián tiếp thông qua các biện pháp điện tử khác để chia sẻ, lan truyền clip đó đến rất nhiều người. Những vi phạm đó ở mức độ nào, đã thỏa mãn dấu hiệu tội phạm được quy định tại điều 326 hay chưa, phải có qúa trình điều tra và phải thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm như phân tích ở trên mới có thể xử lý hình sự được”- luật sư Hưng nói.

Luật sư Hưng nhấn mạnh, không phải lúc nào cơ quan chức năng có đủ nhân lực để đấu tranh kịp thời với các hành vi đó. Nên vẫn xảy ra trường hợp có rất nhiều người vi phạm mà không bị xử lý.

Chia sẻ:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
  • Trang chủ
  • Phone
  • Messenger
  • Zalo
  • 0
    Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x