76 Views

Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi

Đăng bởi 4bae2b8516aff755876f908e561fcbaf - 11:28 04/11/2022

Trên cơ sở kế thừa những điểm tiến bộ của Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003, BLTTHS năm 2015 có nhiều thay đổi cơ bản về quyền bào chữa, nhằm cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013 và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi, thể hiện qua những quy định cụ thể sau:

1. Nguyên tắc tiến hành tố tụng

Điều 414 BLTTHS năm 2015 quy định các nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.

“1. Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi; Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi; Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt; Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi; Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi; Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.”

Đây là những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động tiến hành tố tụng có sự tham gia của người dưới 18 tuổi, mà các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tuân thủ để bảo vệ quyền và lợi ích của người dưới 18 tuổi. Việc ghi nhận, quy định các nguyên tắc tiến hành tố tụng này thể hiện quan điểm, chính sách nhân đạo của Nhà nước, tạo điều kiện tối đa bảo vệ quyền và lợi ích của người dưới 18 tuổi trong hoạt động tố tụng giải quyết vụ án hình sự, vốn là các hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước, có tính cưỡng chế và nghiêm khắc. Các nguyên tắc này được luật tố tụng hình sự đề ra, có tính chất bắt buộc thực hiện, do đó, cơ quan, người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng có trách nhiệm tôn trọng và thực hiện nghiêm túc trong quá trình giải quyết vụ án hình sự liên quan người dưới 18 tuổi, nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm hoặc thực thi không đầy đủ gây ảnh hưởng hạn chế đến việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự. Một trong những nguyên tắc quan trọng tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi đó là bảo đảm quyền bào chữa của người dưới 18 tuổi. Tại khoản 5 Điều 414 BLTTHS năm 2015 quy định: “Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi”. BLTTHS năm 2003 mặc dù đã ghi nhận quyền bào chữa của người chưa niên nhưng không quy định nội dung này thành nguyên tắc. Lần đầu tiên BLTTHS năm 2015 ghi nhận những “nguyên tắc tiến hành tố tụng” đối với người dưới 18 tuổi tại Điều 414 BLTTHS năm 2015. Việc ghi nhận các nguyên tắc này được đánh giá là điểm đổi mới rất cơ bản về thủ tục tố tụng, tạo điều kiện tối đa bảo vệ quyền và lợi ích của người người dưới 18 tuổi trong hoạt động tố tụng giải quyết án hình sự, vốn là các hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, có tính cưỡng chế và nghiêm khắc.

2. Về quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa

Khoản 1, 2 Điều 422 BLTTHS năm 2015 quy định:

“ 1. Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

2. Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội.”

Khác với cách quy định khái quát tại Điều 305 của BLTTHS năm 2003, Điều 422 của BLTTHS năm 2015 quy định khá cụ thể về vấn đề bào chữa của người dưới 18 tuổi, trước hết đã bổ sung, khẳng định quyền bào chữa của người dưới 18 tuổi: Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Đồng thời, loại bỏ quy định mang tính tùy nghi “có thể” mà BLTTHS năm 2003 thường sử dụng, thay vào đó, quy định cụ thể người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội.

So với BLTTHS năm 2003, chủ thể có quyền bào chữa trong BLTTHS năm 2015 được mở rộng hơn. Không chỉ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt cũng có quyền bào chữa. Điều đó có nghĩa là quyền bào chữa của người bị buộc tội trong BLTTHS năm 2015 xuất hiện sớm hơn so với BLTTHS năm 2003. Nếu như theo quy định của BLTTHS năm 2003, một người bị buộc tội sẽ có quyền bào chữa kể từ khi họ bị tạm giữ thì theo quy định của BLTTHS năm 2015, quyền bào chữa đã phát sinh kể từ thời điểm một người bị bắt được đưa về trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 58 và Điều 74 BLTTHS năm 2015). Đồng thời, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, người ra lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam phải thông báo cho người đại diện biết (Khoản 5, Điều 419 BLTTHS năm 2015). Việc thông báo cho người đại diện sẽ giúp họ nắm được những thông tin cần thiết và có sự chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để bảo đảm quyền lợi cho người mà họ đại diện (trong đó có quyền bào chữa).

3. Quyền được bào chữa chỉ định

Tại Điều 76 BLTTHS năm 2015 quy định:

1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ: … b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:…b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý…”.

BLTTHS năm 2015 mở rộng diện người bào chữa gồm cả trợ giúp viên pháp lý để bào chữa miễn phí cho người dưới 18 tuổi thuộc diện chính sách Khoản 2 Điều 72 BLTTHS năm 2015. Trước đây, bào chữa viên nhân dân tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình triển khai các hoạt động nghiệp vụ tố tụng trong những năm qua, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý gặp không ít khó khăn xuất phát từ việc tư cách trợ giúp viên pháp lý chưa được ghi nhận tại văn bản tố tụng cao nhất là BLTTHS. Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp, khi thực hiện các hoạt động tố tụng, trợ giúp viên pháp lý thực hiện theo quyền và nghĩa vụ của người đại diện hợp pháp, do đó có hạn chế hơn so với quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, dẫn đến quá trình tác nghiệp chưa được bảo đảm. Thậm chí, ở một số nơi, cơ quan tiến hành tố tụng từ chối trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý. Chính vì vậy, để khắc phục được những hạn chế đó, BLTTHS năm 2015 đã ghi nhận trợ giúp viên pháp lý với tư cách là người bào chữa tạo ra sự thống nhất trong quá trình thực hiện về hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự.

BLTTHS năm 2015 quy định người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi; phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi phải có mặt người đại điện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt.

Việc chỉ định người bào chữa cho người dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định tại Điều 76 BLTTHS năm 2015. Đồng thời, người bào chữa cũng có thể bị thay đổi hoặc từ chối theo quy định tại Điều 77 BLTTHS năm 2015. Người bị buộc tội, người đại diện của người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa. Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 BLTTHS năm 2015. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của BLTTHS năm 2015, người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Nếu thay đổi người bào chữa thì việc chỉ định người bào chữa khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76 BLTTHS năm 2015. Còn từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của BLTTHS năm 2015 và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.

Chia sẻ:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
  • Trang chủ
  • Phone
  • Messenger
  • Zalo
  • 0
    Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x