Nội dung chính
Chồng có được tự ý bán đất là tài sản chung vợ chồng?
Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình khẳng định:
1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
Đồng thời, với nhà ở là tài sản chung vợ chồng và là nơi ở duy nhất của vợ chồng thì Điều 31 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng khẳng định, khi vợ chồng thực hiện các giao dịch (mua bán, tặng cho…) thì phải có sự thoả thuận của cả hai người.
Có thể thấy, tài sản chung vợ chồng nói chung, nhà, đất của vợ chồng là tài sản chung nói riêng đều thuộc quyền sở hữu của cả hai vợ chồng dù cho một trong hai bên chỉ làm công việc nội trợ tại nhà mà không tham gia lao động ngoài xã hội.
Đặc biệt, với tài sản chung là nhà, đất, khi muốn mua bán phải có sự thoả thuận bằng văn bản của vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình.
Như vậy, khi muốn mua bán nhà, đất là tài sản chung, bắt buộc phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Điều này cũng có nghĩa là, chồng không được phép tự ý bán đất là tài sản chung vợ chồng mà không có sự đồng ý của người vợ.
Vợ phải làm gì để đòi lại đất do chồng tự ý bán cho người khác?
Do khi muốn bán nhà đất là tài sản chung vợ chồng cần phải có văn bản thoả thuận của vợ chồng nên một người không được tự ý bán đất mà không được sự đồng ý của người còn lại.
Đồng thời, để giải quyết trường hợp nêu trên, khoản 2 Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP nêu rõ:
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.
Theo quy định này, khi chồng tự ý bán đất mà không cho vợ biết thì người vợ có thể làm thủ tục yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Trong đó, hợp đồng mua bán đất của người chồng với người thứ 3 là giao dịch bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực theo quy định tại Điều 167 Luật Đất đai năm 2015.
Do đó, vợ có thể thực hiện thủ tục yêu cầu Toà án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo quy định tại Chương XXIX Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Chuẩn bị hồ sơ
– Đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán đất công chứng vô hiệu.
– Tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu này là có căn cứ, hợp đồng: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản chung vợ chồng, hợp đồng mua bán đất công chứng, đăng ký kết hôn…
– Giấy tờ nhân thân của người yêu cầu: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, sổ hộ khẩu hoặc đơn xác nhận cư trú…
(căn cứ Điều 398 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Toà án giải quyết
Toà án nơi tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công việc hợp đồng mua bán theo khoản 6 Điều 27, điểm a khoản 2 Điều 35, điểm m khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Thời gian giải quyết
Căn cứ Điều 399 Bộ luật Tố tụng dân sự, Toà án sẽ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu trong thời gian nhanh nhất là 02 tháng (01 tháng chuẩn bị xét đơn, mở phiên họp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp…)
Chi phí phải nộp
Theo Nghị quyết 326 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lệ phí Toà án là 300.000 đồng.
Hậu quả khi tuyên bố giao dịch vô hiệu
Theo Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi hợp đồng mua bán đất công chứng bị Toà án tuyên là vô hiệu thì:
– Không phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền cũng như nghĩa vụ của các bên.
– Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận: Bên bán trả lại tiền cho bên mua, bên mua trả lại nhà, đất thuộc về bên bán. Nếu không trả được bằng nhà, đất thì phải trả lại bằng tiền với giá trị tương đương.
– Người chồng trong trường hợp này còn có thể phải bồi thường thiệt hại nếu người mua có thiệt hại xảy ra.