Theo Điều 131 BLDS 2015. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu:
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại Điều 131 BLDS 2015, gồm các nội dung:
- Về thời điểm vô hiệu của giao dịch: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập (khoản 1 Điều 131 BLDS 2015). Pháp luật dân sự không công nhận và bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các bên khi giao dịch dân sự bị vô hiệu ngay cả khi các bên đã thực hiện xong giao dịch. Do đó, nếu giao dịch mới xác lập chưa thực hiện thì các bên không thực hiện, nếu các bên đang thực hiện thì không tiếp tục thực hiện giao dịch.
- Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu; Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Về nguyên tắc, đối tượng của giao dịch là vật, thì khi giao dịch vô hiệu bên nhận vật có nghĩa vụ hoàn trả lại vật ( hoàn nguyên) mà mình đã nhận cho bên có quyền. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Giá của hiện vật được xác định vào thời điểm xét xử sơ thẩm. Hoàn trả tiền trong trường hợp này tương tự như bồi thường thiệt hại về tài sản (vật là đối tượng của giao dịch không còn).
- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức đó. Giao dịch có các đối tượng là động sản pháp luật không quy định phải đăng kí quyền sở hữu, mà bên thuê, bên mượn, bên mua tài sản này từ bên cho thuê, cho mượn, bên bán…sau đó bị tuyên vô hiệu, thì bên mua, bên thuê, bên mượn động sản không có nghĩa vụ trả lại hoa lợi, lợi tức thu được do khai thác tài sản.
- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Bên có lỗi trong quan hệ giao dịch như lừa lối, đe dọa, cưỡng ép người khác tham gia giao dịch, khi giao dịch bị tuyên vô hiệu, bên bị tham gia giao dịch trái ý chí tự nguyện bị thiệt hại thì bên có hành vi lừa dối, đe dọa, cưỡng ép phải bồi thường. Trong quan hệ hợp đồng, trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã kí giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được (Điều 408 khoản 2 BLDS 2015)
- Theo quy định tại khoản 5 Điều 131 BLDS 2015 thì việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền của người biểu diễn được pháp luật bảo hộ, nhưng 1 người lừa dối, dọa nạt để người biểu diễn tham gia giao dịch biểu diễn, giao dịch bị tuyên vô hiệu, thì quyền nhân thân của người biểu diễn bị xâm phạm được bồi thường theo trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
- Bên cạnh những hậu quả pháp lý trên, trong trường hợp hợp đồng vô hiệu là hợp đồng chính thì sẽ làm chấm dứt hợp đồng phụ bởi lẽ hợp đồng phụ phát sinh từ hợp đồng chính, hợp đồng chính là cơ sở để hình thành nên hợp đồng phụ. Do đó, hợp đồng phụ không thể đương nhiên có hiệu lực khi hợp đồng chính vô hiệu trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Tuy nhiên quy định này không áp dụng đối với các biện pháp bảo đảm.
Chia sẻ: