Thời gian gần đây, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin truyền thông và công an các địa phương đã liên tục phát đi cảnh báo về hành vi lừa đảo mới. Một trong số đó là, các đối tượng giả mạo cơ quan chức năng hướng dẫn tích hợp điểm giấy phép lái xe trên ứng dụng tài khoản định danh định tử hoặc cổng dịch vụ công để chiếm đoạt tài sản của người dân. Bằng thủ đoạn tinh vi các đối tượng đã dụ dỗ không ít nạn nhân sa bẫy.
Mới đây, một người phụ nữ ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa nhận được điện thoại từ một đối tượng tự xưng là cán bộ công an tư vấn Luật mới về việc mỗi công dân được cấp 12 điểm trên giấy phép lái xe.
Ngay sau đó, một đối tượng khác lại gọi đến hướng dẫn kết bạn Zalo, cài đặt ứng dụng, nhập các thông tin cá nhân, chụp hình thẻ Ngân hàng mặt trước, mặt sau. Mặc dù ban đầu có cảnh giác, nhưng với lý lẽ thuyết phục từ các đối tượng, người phụ nữ này đã sập bẫy và tiền trong tài khoản ngân hàng đã không cánh mà bay.
Theo quy định, điểm giấy phép lái xe sẽ được tự động cập nhật khi công dân sử dụng dịch vụ công mức độ 2. Khi người dân vi phạm, số điểm sẽ bị trừ tương ứng tùy mức độ vi phạm. Nếu trong vòng 12 tháng, người dân không bị trừ thêm điểm, hệ thống sẽ tự động phục hồi về 12 điểm.
Trong trường hợp bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe sẽ bị tạm giữ và người vi phạm phải thi lại lý thuyết để được cấp lại điểm. Như vậy, sẽ không có bất kỳ nào yêu cầu cài đặt ứng dụng hoặc cung cấp thông tin qua điện thoại để tích hợp hoặc cộng điểm GPLX.
Thủ đoạn lừa đảo giả danh công an tuy không mới nhưng chiêu trò ngày càng tinh vi, kịch bản luôn thay đổi, bám sát thực tiễn đời sống. Để tạo niềm tin, các đối tượng còn yêu cầu người dân đến trụ sở Công an để làm việc, song đều chọn vào khung giờ hành chính để hướng người dân sang làm việc qua điện thoại. Bên cạnh đó, thủ đoạn gửi link, yêu cầu cài ứng dụng, cung cấp thông tin cũng đã được cảnh báo nhiều lần, người dân cần hết sức tỉnh táo.
Người dân khi nhận được cuộc gọi nghi vấn, hãy liên hệ cơ quan công an nơi gần nhất để xác minh và trình báo. Việc tố giác các hành vi lừa đảo sẽ góp phần giúp cho cơ quan công an có thêm chứng cứ để điều tra, phá án đồng thời đưa ra cảnh báo để người dân cùng phòng ngừa thủ đoạn mới của các đối tượng.
Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Giám đóc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, với việc giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an điều này cho thấy hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng trở nên lộ liễu, công khai trắng trợn; thể hiện hành vi coi thường pháp luật của các băng nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng.
“Đây là thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhằm lừa gạt những nạn nhân thiếu hiểu biết, ít cập nhật thông tin báo chí, sợ người thân biết việc bị lừa, muốn thu hồi lại tiền lừa đảo nhanh chóng. Vì thế, rất nhiều nạn nhân bị sập bẫy hình thức này”, luật sư Hưng nhìn nhận.
Theo luật sư, mặc dù chúng ta đã có Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự điều chỉnh hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng nhưng tình tình tội phạm vẫn diễn ra phức tạp. Đây là mặt trái của cách mạng công nghệ 4.0 khi mà các đối tượng lừa đảo biết sử dụng cả công nghệ AI vào phục vụ hoạt động tội phạm trên không gian mạng. Nếu bị bắt giữ thì các đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với khung hình phạt từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.
Để đối phó với tình trạng mạo danh các cá nhân, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, luật sư Hưng đề xuất cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, các cơ quan chuyên trách quản lý không gian mạng cần đề nghị các nhà quản lý mạng internet, mạng xã hội Meta, zalo, telegram, youtube, các sàn thương mại điện tử, các nhà quản lý tên miền website phối hợp nhận diện các hành vi lừa đảo qua mạng, kiểm soát quản lý không gian mạng do mình đang cung cấp quản lý. Xóa bỏ các tài khoản, các trang website quảng cáo vi phạm pháp luật. Nếu để tiếp tục tiếp diễn tình trạng này sẽ cấm hoạt động vĩnh viễn tại Việt Nam.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các phương thức thủ đoạn lừa đảo đang diễn ra hiện nay trên không gian mạng để người dân nhận diện, nắm bắt và kịp thời phòng tránh chủ động.
Đối với người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin báo chí, truyền hình, thông tin từ các cơ quan chức năng nhằm nắm bắt các phương thức thủ đoạn lừa đảo qua mạng hiện nay để phòng ngừa cho bản thân và những người trong gia đình. Khi bị lừa tiền qua mạng xã hội thì “cách duy nhất” là Tố giác tội phạm lên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp quận/huyện để được giải quyết, tránh âm thầm thực hiện theo các yêu cầu của các đối tượng lừa đảo.
Đặc biệt, Bộ Công an cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối với với các cơ quan công an các địa phương tổ chức điều tra, tấn công vào các tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng đang hoạt động tại Việt Nam. Đối với các tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia cần phối hợp với cảnh sát các quốc gia khác để điều tra xử lý.